Đau lưng cấp là dạng đau phổ biến nhất có thể gặp ở mọi lứa tuổi. Vậy cụ thể, đau lưng cấp tính là gì, có nguy hiểm không và điều trị thế nào? Câu trả lời sẽ có trong bài viết dưới đây.
Đau lưng cấp là gì?
Những thống kê mới nhất cho thấy có khoảng 70 – 80 % người trưởng thành sẽ phải chịu ít nhất một lần bị đau lưng trong đời. Mỗi năm thế giới chi đến 200 tỷ đô la để kiểm soát chứng đau lưng.
Đau lưng cấp được định nghĩa là cơn đau kéo dài không quá 13 tuần và người bệnh có thể bị đau bất cứ bộ phận nào ở phần lưng bao gồm từ vùng dưới cổ kéo xuống hết xương chậu ở hông.
Những triệu chứng cho biết bạn đang bị đau lưng cấp tính bao gồm:
- Cơn đau diễn ra âm ỉ hoặc đột ngột thường là sau khi bạn phải vận động nhiều, hoạt động thể thao mạnh hoặc mang vác vật nặng thời gian dài.
- Cảm thấy cứng cơ, khó di chuyển, vận động
- Không đứng thẳng lưng được do dây chằng đang bị tổn thương, hành động đứng thẳng khiến chúng bị kéo dãn quá mức gây đau đớn nhiều hơn.
- Cơn đau sẽ giảm đi nhiều nếu được nằm xuống nghỉ ngơi. Lý do là bởi tư thế nằm sẽ giúp giảm áp lực với cột sống đồng thời tâm trạng người bệnh sẽ dịu xuống do được thư giãn tối đa.
Đau lưng cấp có nguy hiểm không?
Đau lưng cấp là giai đoạn đầu của đau lưng, là tiền đề của các bệnh gai cột sống, thoái hóa, thoát vị đĩa đệm sau này. Mặc dù không ảnh hưởng trực tiếp tới tính mạng người bệnh nhưng nếu chủ quan, không có biện pháp can thiệp kịp thời bệnh sẽ để lại nhiều biến chứng nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn tới chức năng vận động, suy giảm chất lượng cuộc sống và công việc của người bệnh. Cụ thể:
- Đau đớn khiến việc đi lại khó khăn, những hoạt động đi lại sinh hoạt thường ngày bỗng trở nên khó khăn với người bệnh. Đang từ một người nhanh nhẹn, khỏe mạnh bỗng chốc những chuyển động tay chân bị giới hạn, người bệnh phải di chuyển chậm chạp, nhẹ nhàng, từng chút một khiến họ cảm thấy vô cùng bất tiện.
- Nếu người bệnh đang trong độ tuổi sản thì đau lưng cấp sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống tình dục vợ chồng bởi bản thân người bệnh thường có xu hướng né tránh, không tự tin trước bạn đời dẫn đến chất lượng đời sống giảm sút, về lâu dài ảnh hưởng tới hạnh phúc gia đình.
- Cơn đau diễn ra nhiều liên tục khiến người bệnh mệt mỏi, đau về đêm gây ra mất ngủ, tinh thần không thoải mái, dễ cáu gắt, giảm khả năng tập trung khi làm việc.
- Nếu chủ quan không điều trị sẽ khiến người bệnh phải đối mặt với những nguy hiểm như yếu liệt cơ, tê bì, mất cảm giác tại vùng bị đau, rối loạn chức năng vận động thậm chí là rối loạn đại tiểu tiện nếu xảy ra chèn ép vào dây thần kinh.
Xem thêm:
- Đau lưng không đứng thẳng được là do bệnh gì?
- Sáng ngủ dậy bị đau lưng là do nguyên nhân nào?
Cách điều trị đau lưng cấp ngay tại nhà
Hầu hết những trường hợp đau lưng cấp nếu được phát hiện và có hướng điều trị đúng sẽ giúp giảm đau nhanh chóng đồng thời hạn chế tối đa sự phát triển của bệnh. Bạn có thể áp dụng những mẹo nhỏ sau:
- Nằm xuống nghỉ ngơi: Đơn giản nhưng lại vô cùng hiệu quả. Nếu thấy những dấu hiệu đau như bên trên hãy ngay lập từng dừng công việc đang làm để nghỉ ngơi cho phù hợp. Chọn một chiếc đệm có độ dày và độ cứng vừa phải cùng một chiếc gối ôm hỗ trợ sẽ giúp cột sống được nghỉ ngơi, áp lực nhỏ khiến cơn đau giảm đi tức thì.
- Massage: Chỉ cần dùng bàn tay day, miết, xoa bóp nhẹ nhàng xung quanh vùng xương khớp đau nhức với một chút tinh dầu cũng đủ làm bạn cảm thấy dễ chịu hơn rất nhiều. Thực hiện hành động này thường xuyên sẽ kích thích tăng cường tuần hoàn máu, giảm những cơn co rút cơ, khớp.
- Chườm lạnh: Nếu đau có kèm viêm (biểu hiện ra ngoài bằng việc vùng bị đau nóng, sưng, đỏ) thì chườm lạnh là sự lựa chọn tuyệt vời. Dùng vài viên đá bọc vào lớp vải xô rồi chườm nhẹ lên chỗ đau sẽ giúp hạn chế tích tụ dịch, ngăn ngừa phản ứng viêm và giúp giảm sưng tấy hiệu quả.
- Chườm nóng: Khi gặp nhiệt độ cao các mạch máu sẽ giãn nở rộng ra để máu lưu thông tốt hơn đến các vùng cơ đang bị co cứng. Người bệnh có thể dùng muối rang nóng bọc vào lớp vải mỏng hoặc chai nước ấm, túi chườm chuyên dụng lăn nhẹ nhàng quanh khu vực đau nhức khoảng 15 – 20 phút sẽ thấy cơn đau thuyên giảm nhanh chóng. Cuối cùng, dù là chườm nóng hay chườm lạnh, bạn cũng nên thực hiện chúng trong vòng 48h kể từ khi nhận thấy cơn đau để cảm nhận hiệu quả chữa bệnh tối ưu.
- Dùng đai lưng chuyên dụng: Trên thị trường có bán rất nhiều loại đai đeo lưng giúp hỗ trợ người bệnh tốt hơn khi vận động, sinh hoạt, tránh những cơn đau. Tuy nhiên người bệnh cần tinh ý, không nên lựa chọn những loại đai lưng quá rẻ tiền hoặc kém chất lượng bởi có thể gây tác dụng phụ. Hãy chọn những sản phẩm được cấp phép lưu hành của Bộ y tế.
- Dùng thuốc giảm đau: Một trong những cách để cắt cơn đau nhanh chóng và hiệu quả nhất đó là dùng thuốc giảm đau. Các loại phổ biến bao gồm: paracetamol, Efferalgan…
- Dùng thuốc giãn cơ: Đa số các trường hợp đau lưng cấp cơ sẽ co cứng lại, thuốc giãn cơ mydocalm hoặc Myonal sẽ giúp chúng được giải phóng, thư giãn.
- Dùng thuốc chống viêm không steroid như piroxicam, meloxicam… giúp chống viêm, ngăn ngừa các cơn đau tái phát đồng thời tái tạo lại chức năng vận động.
Tuy nhiên, với bất kỳ loại thuốc nào người bệnh cũng không nên dùng trong thời gian dài. Lạm dụng thuốc sẽ dẫn đến hậu quả khôn lường như nhờn thuốc, hại gan thận…
Sau cùng, nếu sau khoảng 1 tháng áp dụng tất cả những biện pháp trên mà cơn đau không có dấu hiệu thuyên giảm thì bạn nên thăm khám trực tiếp tại cơ sở chuyên khoa để nắm được tình trạng bệnh hiện tại, từ đó có phác đồ điều trị phù hợp. Hy vọng những kiến thức trên sẽ giúp ích cho bạn trong quá trình đẩy lùi đau lưng cấp. Chúc bạn và gia đình luôn khỏe mạnh.