Đau lưng không cúi được là một tình trạng hay gặp ở nhiều người với nhiều nguyên nhân khác nhau. Chúng ta sẽ cùng tìm hiểu qua bài viết hôm nay để biết được các nguyên nhân đó là gì và cách chữa trị căn bệnh đau lưng này ra sao.
Nguyên nhân gây đau lưng không cúi được
Nguyên nhân người bệnh không cúi được do đau lưng được chia làm hai nhóm chính như sau:
Nguyên nhân không thuộc về bệnh lý
- Tuổi tác: Đối với người cao tuổi, tình trạng thoái hóa khớp xương sẽ làm cho xương và khớp bị suy yếu. Điều này khiến cho nhiều hoạt động bị hạn chế hoặc khi thực hiện cơ thể sẽ xảy ra hiện tượng đau đớn do có những tổn thương xuất hiện, cúi người là một trong những hoạt động bị hạn chế đó.
- Tai nạn, chấn thương: Những trường hợp người bị tai nạn hoặc bị chấn thương có ảnh hưởng đến xương cột sống, khớp hông hoặc một số xương khớp khác rất khó để có thể thực hiện được hành động cúi người. Điều này sẽ làm cho vị trí bị tổn thương càng thêm nghiêm trọng và làm người bệnh đau đớn nhiều hơn.
- Làm việc, ngồi ở một tư thế trong thời gian dài, điển hình là người làm công việc văn phòng. Việc ngồi lâu ở một tư thế trong thời gian dài có thể khiến cho các cơ, khớp ít được hoạt động, lâu dần dẫn đến hiện tượng bị xơ cứng, từ đó làm ảnh hưởng một số hoạt động của cơ thể, bao gồm việc cúi xuống.
- Lao động nặng sai tư thế: Công nhân trong công trường, những người làm công việc khuân vác hàng hóa nếu có thói quen làm việc sai tư thế lâu ngày sẽ gây ra một vài tổn thương lên hệ thống xương cột sống, làm hạn chế khả năng vận động một vài động tác.
Nguyên nhân thuộc về bệnh lý
- Bệnh thoát vị đĩa đệm: Một khi đã xảy ra hiện tượng thoát vị và gây chèn ép lên các dây thần kinh thì việc thực hiện hoạt động cúi người là điều rất khó khăn. Đặc biệt, nếu vị trí thoát vị ở vùng thắt lưng thì việc cúi người gần như là không thể được.
- Thoái hóa ở cột sống: Căn bệnh này hay thường gặp ở những người cao tuổi. Khi cơ thể không thể thực hiện quá trình phục hồi cho các tế bào xương khớp bị hư tổn, các xương khớp rơi vào tình trạng thoái hóa, suy yếu và xuất hiện tổn thương. Lúc này, hoạt động cúi người có thể có tác động vào những tổn thương đó và gây ra những cơn đau cho người bệnh.
- Bệnh gai cột sống: Gai cột sống là tình trạng ở một vài vị trí của đốt sống xuất hiện các gai do một số nguyên nhân từ những thương tổn của cột sống. Hành động cúi xuống sẽ khiến các gai này va chạm vào các đốt sống khác hoặc các dây thần kinh gây nên những cơn đau buốt khó chịu và bắt buộc phải ngưng hành động này lại.
- Viêm khớp: Nếu viêm khớp xuất hiện ở vị trí thắt lưng, thì khả năng rất cao người bệnh không thể thực hiện được các hoạt động khom người hay cúi người do xuất hiện các cơn đau lưng khi cố gắng thực hiện hành động này.
Ngoài ra, các bệnh liên quan đến các dây thần kinh, bệnh của bàng quang hay gan cũng có thể dẫn đến việc khó khăn trong hoạt động cúi người do việc này sẽ làm xuất hiện các cơn đau ở lưng khó chịu.
Cách chữa đau lưng không cúi được
Tùy theo nguyên nhân gây bệnh, sau khi thăm khám và làm các xét nghiệm cận lâm sàng cần thiết các bác sĩ sẽ chẩn đoán xác định và dặn dò, chỉ định một trong các phương pháp điều trị sau đây:
Điều trị không dùng thuốc
Điều trị không dùng thuốc tập trung vào việc hồi phục tự nhiên của cơ thể với các dạng bài tập thể dục và thể thao, cụ thể như sau:
- Tập thể dục, thể thao thường xuyên, kết hợp với các bài tập yoga phù hợp để nâng cao độ dẻo dai và thể trạng cho cơ thể.
- Sau chấn thương đặc biệt là chấn thương do tai nạn, người bệnh nên nghỉ ngơi và tĩnh dưỡng trong một thời gian nhất định theo hướng dẫn của bác sĩ. Cùng với đó, khi cơ thể đã ổn định có thể thực hiện các bài tập vật lý thích hợp để hồi phục hoạt động.
- Sử dụng chườm lạnh hoặc chườm nóng để làm giảm cơn đau: Lưu ý, đối với chấn thương không nên chườm nóng ngay sau khi chấn thương, thay vào đó chườm lạnh có hiệu quả tốt hơn.
- Thực hiện các liệu pháp massage, bấm huyệt để giúp khí huyết lưu thông giảm các cơn đau.
- Thay đổi thói quen, điều chỉnh tư thế làm việc và sinh hoạt hằng ngày sao cho khoa học để tránh những tổn hại không đáng có đến cơ xương khớp.
- Ăn uống đủ chất dinh dưỡng cần thiết, hạn chế tối đa các chất kích thích để đảm bảo sức khỏe cơ thể và cơ xương khớp.
Điều trị bằng thuốc tây y
Các loại thuốc dùng để điều trị tình trạng đau lưng không cúi được bao gồm:
- Thuốc làm giảm cơn đau: Acetaminophen hay còn được biết đến với tên Paracetamol là loại thuốc giảm đau nhanh dành cho người bệnh về cơ xương khớp.
- Thuốc kháng viêm: Aspirin hoặc Diclofenac,… Có tác dụng hạn chế tình trạng phát triển của ổ viêm nếu nguyên nhân bị đau xuất phát từ viêm nhiễm.
- Thuốc giãn cơ: Mephenesin hoặc Dantrolene… Có tác dụng giảm đau và hỗ trợ các hoạt động của cơ thể.
Lưu ý: Người bệnh nếu muốn sử dụng thuốc tây y phải được các bác sĩ thăm khám và kê toa. Không tự ý sử dụng thuốc khi chưa có chỉ định hoặc sử dụng quá liều chỉ định của bác sĩ. Điều này có nguy cơ dẫn đến một vài tác dụng phụ không mong muốn gây hại cho cơ quan của cơ thể.
Ngoài ra, việc sử dụng thuốc tây y trong thời gian dài có tác hại nhất định đến một vài cơ quan trong cơ thể. Người bệnh nên kiểm tra chống chỉ định của loại thuốc trước khi sử dụng để đảm bảo hiệu quả tốt nhất.
Điều trị bằng cách sử dụng các bài thuốc đông y
Trong dân gian hoặc trong y học cổ truyền có lưu lại một số bài thuốc có thể dùng để giảm các cơn đau về xương khớp có hiệu quả cao như: Dùng lá lốt, dùng cây xương rồng hoặc cỏ xước,…. Tất cả đều có một hiệu quả hỗ trợ, điều trị đau lưng khá tốt.
Tuy nhiên, người bệnh nếu dùng phương pháp này sẽ phải kiên trì và nỗ lực thực hiện theo hướng dẫn của thầy thuốc, dù lành tính nhưng không nên lạm dụng quá mức.
Điều trị bằng phẫu thuật
Đây được xem là biện pháp cuối cùng phải áp dụng nếu cơn đau lưng quá nhiều và các biện pháp bảo tồn không phát huy được hiệu quả trên cơ thể người bệnh.
Trước khi tiến hành phẫu thuật các bác sĩ sẽ giải thích tình trạng bệnh và các thông tin cần thiết cho người bệnh hoặc người nhà của người bệnh.
Trên đây cũng là toàn bộ các thông tin hữu ích xoay quanh vấn đề đau lưng không cúi được. Hy vọng từ những thông tin này sẽ giúp bạn bảo vệ và chăm sóc tốt nhất cho sức khỏe bản thân.