Sút lưng là tình trạng đau lưng cấp tính thường gặp ở những người trưởng thành, đặc biệt là những người thường xuyên mang vác nặng. Tuy nhiên, do hiện tượng này chỉ diễn ra trong khoảng thời gian ngắn nên người bệnh thường có tâm lý chủ quan. Vậy, nguyên nhân gây sút lưng là gì? Dấu hiệu của chúng ra sao và người bệnh có thể làm gì để cải thiện tình trạng trên? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu trong bài viết dưới đây nhé.
Dấu hiệu bị sút lưng
Sút lưng không phải là một căn bệnh mà chỉ là tình trạng đau nhức tạm thời ở vùng lưng và có thể tự hồi phục sau 3-5 ngày. Các cơn đau thường xuất hiện đột ngột, bất chợt, mức độ đau từ nhẹ đến dữ dội và có xu hướng đau nặng hơn khi di chuyển, cúi, ngửa người hoặc khi thời tiết thay đổi. Chính vì vậy, người bệnh thường đi lại rất khó khăn, phải đi khom lưng, sử dụng gậy hoặc tay để nâng đỡ cho đỡ nhức mỏi. Đồng thời, khi bị sút lưng, người bệnh cũng thường gặp phải hiện tượng căng cứng cơ xung quanh cột sống.
Nguyên nhân gây sút lưng
Nhìn chung, nguyên nhân dẫn đến hiện tượng sút lưng khá đa dạng song thường được chia thành hai nhóm chính: Nhóm nguyên nhân cơ học và do ảnh hưởng của các bệnh lý khác.
Trong đó, nhóm nguyên nhân cơ học thường phổ biến và dễ nhận biết hơn. Ví dụ như sút lưng do tai nạn lao động, tai nạn giao thông hay do chơi thể thao, vận động mạnh, sai tư thế…. Thậm chí, nếu đứng quá lâu hay nhiễm lạnh đột ngột, các cơ quanh lưng dễ dàng bị co thắt, từ đó gây ra các cơn đau lưng cấp tính vô cùng khó chịu.
Tuy nhiên, các cơn đau do yếu tố cơ học thường ít khi lặp đi lặp lại mà chỉ xuất hiện 1 vài lần sau những tổn thương xung quanh vùng cột sống. Song, nếu người bệnh chủ quan, không tiến hành chữa trị kịp thời và đúng cách, hiện tượng này có thể dễ dàng tái phát trở lại và trở thành bệnh mãn tính, rất khó điều trị.
Ngược lại, hiện tượng sút lưng do ảnh hưởng của bệnh lý lại có xu hướng lặp lại nhiều hơn, đặc biệt là sút lưng do các bệnh mạn tính. Cụ thể, một số bệnh về cơ xương khớp như gai cột sống, thoát vị đãi đệm, gai, viêm hay ung thư cột sống,… có thể tác động trực tiếp đến sức khỏe của vùng lưng. Thêm vào đó, bệnh nhân mắc các bệnh về đường tiết niệu như sỏi thận, sỏi niệu quản, thận hư, thận yếu hay ứ nước cũng dễ gặp phải tình trạng này. Thậm chí, viêm nhiễm phụ khoa ở phụ nữ hay viêm tụy cấp cũng có thể là nguyên nhân gây ra những cơn đau cấp và sút lưng.
Bị sút lưng phải làm sao?
Trên thực tế, sút lưng không phải là bệnh và cũng không gây nguy hiểm cho người bệnh và có thể tự khỏi sau 5-10 ngày nếu được chữa trị và nghỉ ngơi đúng cách. Thực hiện một số cách làm đơn giản như dưới đây, cơn đau lưng cấp của bạn có thể nhanh chóng được cải thiện đấy!
Nghỉ ngơi
Nghỉ ngơi là cách làm đơn giản nhất, song cũng là giải pháp cơ bản nhất giúp giải quyết tình trạng đau lưng, sút lưng một cách hiệu quả. Khi nghỉ ngơi, các cơ vùng lưng nói riêng và toàn bộ cơ thể nói chung sẽ được thả lỏng và thư giãn. Nhờ đó, máu trong cơ thể được lưu thông tốt hơn, giảm tình trạng co thắt cơ nên các cơn đau sẽ được cải thiện đáng kể. Để đạt được hiệu quả tốt hơn, bạn nên đặt một chiếc gối mỏng, mềm dưới lưng để giữ được độ cong của cột sống. Trong giai đoạn này, hãy tránh các hoạt động phải vận động mạnh, đồng thời hạn chế di chuyển để tránh các cơn đau trầm trọng hơn.
Chườm nóng, chườm lạnh
Chườm nóng giúp kéo giãn các vùng cơ co cứng và tăng tuần hoàn máu, trong khi đó, chườm lạnh lại là giải pháp hữu hiệu giúp làm giảm những cơn đau cấp do những chấn thương mới. Cả hai biện pháp này đều giúp khắc phục tình trạng sút lưng và đem đến cho người bệnh cảm giác thoải mái, dễ chịu.
Để tăng hiệu quả chữa trị, thay vì chườm nhiệt bằng nước ấm, bạn có thể rang muối nóng hay các loại hạt, thảo dược,.. rồi bỏ vào túi và chườm đều xung quanh vùng lưng để cải thiện các cơn đau. Mỗi lần thực hiện, bạn chỉ nên chườm từ 15-30 phút để đạt được kết quả tốt nhất. Ngoài ra, nếu quá bận rộn, người bệnh cũng có thể mua các túi chườm bán sẵn trên thị trường để sử dụng.
Tập yoga
Với những bệnh nhân bị sút lưng, những bài tập yoga nhẹ nhàng, uyển chuyển sẽ rất hữu ích cho sức khỏe, giúp họ thư giãn gân cốt và giảm bớt stress, căng thẳng. Đây cũng là biện pháp hàng đầu giúp tăng cường đề kháng, giữ gìn vóc dáng và sự minh mẫn cho cơ thể.
Vật lý trị liệu
Ngoài những bài tập yoga nhẹ nhàng, các biện pháp vật lý trị liệu như xoa bóp, bấm huyệt, châm cứu,… cũng rất hữu ích trong việc chữa sút lưng. Bằng cách tác động vào các huyệt đạo, khí huyết trong cơ thể sẽ được điều hòa và cân bằng, đồng thời giúp tăng cường tuần hoàn máu tới khắp các cơ quan. Thêm vào đó, một số tinh dầu sử dụng trong massage cũng giúp tinh thần trở lên thoải mái và dễ chịu.
Sử dụng thuốc
Các bài thuốc dân gian có nguồn gốc từ thiên nhiên tuy tác dụng chậm, song lại khá an toàn, lành tính và có thể mang lại hiệu quả lâu dài. Trong đó, có thể nhắc đến một số bài thuốc phổ biến chữa sút lưng như lá lốt, tía tô, muối, ngải cứu,… Đây đều là những loại thảo dược có sẵn, rất dễ tìm và không gây tác dụng phụ. Vì thế, bạn hoàn toàn có thể yên tâm sử dụng trong thời gian dài.
Tuy nhiên, trong trường hợp những cơn đau kéo dài và trở nên trầm trọng hơn, bạn có thể sử dụng một ít thuốc giảm đau theo hướng dẫn và chỉ định của bác sĩ. Do thuốc có nhiều tác dụng phụ, bạn chỉ nên sử dụng theo đúng liều lượng quy định, tránh lạm dụng quá mức để phòng ngừa rủi ro, nguy hiểm.
Trên đây là một số thông tin cơ bản về dấu hiệu, nguyên nhân cũng như một số giải pháp cho vấn đề sút lưng. Hy vọng qua bài viết, bạn đọc đã có thêm những kiến thức bổ ích để hạn chế tình trạng này. Cảm ơn các bạn đã đón đọc!