Đau lưng không đứng thẳng được là do đâu? Đau lưng không đứng thẳng được phải làm sao? Đây là thắc mắc chung của nhiều bệnh nhân khi gặp tình trạng này. Bệnh này không chỉ ảnh hưởng đến khả năng vận động của người bệnh, mà còn là dấu hiệu cảnh báo những căn bệnh nguy hiểm, cần được đề phòng.
Nguyên nhân đau lưng không đứng thẳng được
Đau lưng không đứng thẳng được là bệnh lý xảy ra ở bất kỳ đối tượng nào. Theo nhiều chuyên gia, triệu chứng này xuất hiện do nhiều nguyên nhân khác nhau. Tuy nhiên, các bệnh lý về xương khớp và thói quen hàng ngày vẫn là nguyên nhân chiếm chủ yếu.
Do thói quen sinh hoạt, nghề nghiệp
Những người ít vận động, làm việc tay chân nặng nhọc, nhân viên văn phòng thường xuyên ngồi một chỗ, vận động viên thể thao tập luyện quá mức,… thường có hệ thống xương khớp kém khỏe mạnh hơn bình thường. Bên cạnh đó, những thói quen này còn khiến xương khớp bị tổn thương, chịu áp lực trong thời gian dài, gây nên các bệnh như: viêm cột sống dính khớp, thoát vị đĩa đệm, cột sống thoái hóa,…
Đau lưng cấp
Đau lưng không đứng lên được là một triệu chứng thường thấy ở những người bệnh đau lưng cấp. Tình trạng nghiêm trọng hơn theo thời gian và khi người bệnh vận động mạnh, sai tư thế.
Bệnh thoát vị đĩa đệm
Bệnh thoát vị đĩa đệm là một tình trạng xương khớp khá phổ biến, thường gặp ở người già và những người thường xuyên mang vác nặng nhọc. Bệnh này xảy ra khi phần nhân nhầy trong đĩa đệm bị thoát ra bên ngoài, phần nhân nhầy gây chèn ép các dây thần kinh, bó cơ xung quanh cột sống, gây ra những cơn đau nhức khó chịu cho người bệnh. Cơn đau tăng mạnh khi người bệnh cử động mạnh, hắt hơi hoặc di chuyển.
Bệnh cột sống lưng bị thoái hóa
Bệnh cột sống lưng bị thoái hóa thường gặp ở những người cao tuổi. Do theo thời gian, các cột sống cọ sát vào nhau, bị bào mòn và dễ tổn thương, hình thành nên những cơn đau. Đây cũng là lý do vì sao những người già thường đi khom lưng để giảm tình trạng các đốt sống chồng lên nhau tạo áp lực.
Bệnh viêm khớp dạng thấp
Bệnh này xảy ra khi các khớp, sụn bị các tác nhân bên ngoài tác động dẫn đến tình trạng viêm nhiễm. Bệnh viêm khớp dạng thấp thường đi cùng với những cơn đau lưng, tê mỏi tứ chi, cơn đau đặc biệt nghiêm trọng vào những ngày trời lạnh.
Bệnh gai cột sống
Bệnh gai cột sống là một trong những tình trạng biểu hiện của xương khớp bị thoái hóa. Bệnh xảy ra khi cột sống bị tổn thương, biến dạng tạo thành những gai xung quanh khớp. Những gai này chèn ép vào dây thần kinh, các bó cơ tạo nên những cơn đau lưng khó chịu.
Do mang thai
Phụ nữ trong thời gian thai kỳ cũng có thể gặp tình trạng đau lưng đến mức không thể đứng thẳng được. Đặc biệt, trong những tháng cuối thai kỳ, thai nhi lớn dần và chèn ép vào khoang bụng, vùng cột sống, khiến phần cột sống khó có thể hoạt động như bình thường.
Do chấn thương
Chấn thương do tai nạn lao động, tai nạn giao thông trực tiếp lên vùng lưng, cơ và dây chằng,…gây ra tình trạng đau lưng không đứng thẳng được. Bên cạnh đó, sau khoảng thời gian chấn thương, nếu người bệnh vận động mạnh, cũng có thể khiến phần lưng bị đau nhức, khó chịu.
Xem thêm:
- Đau lưng ở phụ nữ là do đâu? Cách giảm đau tốt nhất
- Đau lưng sau sinh mổ và sinh thường do đâu?
Đau lưng không đứng thẳng được phải làm sao?
Nếu chẳng may gặp tình trạng đau lưng không thể đứng thẳng được, người bệnh cần thực hiện những điều sau để cải thiện tình trạng bệnh nhanh chóng nhất.
Nghỉ ngơi hợp lý
Đầu tiên, người bệnh cần được nghỉ ngơi trong không gian thoải mái, tốt nhất nên để người bệnh nằm trên nệm. Trong thời gian nghỉ ngơi, người bệnh cần tránh suy nghĩ căng thẳng, stress quá nhiều, để cơ thể được thư giãn. Người bệnh cũng không nên thức quá khuya, nghỉ ngơi đúng giờ sẽ giúp quá trình điều trị hiệu quả và nhanh chóng hơn.
Kết hợp massage giảm đau
Trong thời gian người bệnh nghỉ ngơi, người thân có thể kết hợp massage giúp giảm nhức. Biện pháp massage còn hỗ trợ cải thiện tình trạng căng cứng cơ, tăng quá trình lưu thông máu đến tứ chi.
Sử dụng thuốc giảm đau
Nếu cơn đau quá nặng, người bệnh có thể sử dụng một số nhóm thuốc giảm đau, thuốc có công dụng giãn cơ được bác sĩ chỉ định như: Paracetamol, Efferalgan, Decontractyl, Diazepam, Voltaren, Ibuprofen,… Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc cần phải theo chỉ dẫn của bác sĩ. Người bệnh không được tự ý lạm dụng thuốc, nếu không sẽ ảnh hưởng xấu đến dạ dày, gan và thận.
Ngoài ra, người bệnh cũng có thể sử dụng những miếng dán tại những vùng đau nhức, để giảm đau, tăng cường quá trình lưu thông máu, giảm căng cơ.
Chườm nóng hoặc chườm lạnh
Biện pháp chườm nóng hoặc chườm lạnh được khuyến khích sử dụng sau từ 2 – 3 ngày khi xuất hiện tình trạng đau lưng không đứng dậy được. Hơi nóng có tác dụng làm quá trình tuần hoàn máu được diễn ra tốt hơn, tạo cảm giác thoải mái. Chườm lạnh giúp làm giảm đau và giảm tê bì tay chân nhanh chóng.
Không được mang vác nặng nhọc
Trong thời gian điều trị, người bệnh tuyệt đối không được mang vác nặng nhọc. Do lúc này, xương khớp không được linh hoạt, việc mang vác nặng sẽ tạo áp lực lên vùng khớp, gây ra những cơn đau và có thể làm tổn thương hoặc gãy khớp.
Thay đổi thói quen sinh hoạt
Nếu bạn thường phải ngồi làm việc trước máy tính trong thời gian dài, bạn cần giảm thời gian ngồi làm việc và thường xuyên vận động để giảm áp lực lên vùng cột sống. Bên cạnh đó, cần kết hợp tập luyện thể dục, thể thao hàng ngày để tăng cường sức khỏe và sự dẻo dai của xương khớp.
Thực hiện chế độ ăn uống khoa học
Trong quá trình điều trị, người bệnh cần được bổ sung đầy đủ dưỡng chất, đặc biệt là các nhóm vitamin, canxi, chất khoáng,… Cần tránh uống rượu bia, các đồ ăn dầu mỡ, không có lợi cho sức khỏe.
Đau lưng không đứng thẳng được do nhiều nguyên nhân khác nhau. Chính vì vậy, người bệnh cần kiểm tra và xác định nguyên nhân trước để có thể tiến hành điều trị hiệu quả. Bên cạnh đó, cần thay đổi thói quen sinh hoạt, thường xuyên tập luyện thể dục thể thao để cải thiện tình trạng bệnh nhanh chóng.